Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 7 tháng đầu năm 2021, dù khối lượng xuất khẩu hạt tiêu giảm (đạt 182 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2020) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 599 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Đặc biệt, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 7 tháng đầu năm 2021 đạt 3.292,9 USD/tấn (tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2020). Không chỉ Việt Nam, giá tiêu trắng trên thị trường quốc tế cũng tăng khá mạnh từ 30% đến 39% kể từ đầu năm đến nay. Còn giá tiêu đen Indonesia tăng 25,7%, tiêu đen Ấn Độ tăng 17,5%, tiêu đen Malaysia tăng 35,6%, đặc biệt tiêu đen Brazil tăng tới 42,9%.
Các thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam đầu năm 2021 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất và Pakistan.
Nguồn cung giảm đẩy giá xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh. (Ảnh: Internet)
Theo giới quan sát, sự sụt giảm sản lượng hạt tiêu của Việt Nam - nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới - là nguyên nhân thúc đẩy giá tiêu toàn cầu tăng lên trong những tháng đầu năm nay.
Nhận định của các chuyên gia, nhu cầu nội địa sẽ tăng cao trong tháng 8/2021 do các đơn vị xuất khẩu tăng mua để bù vào lượng tiêu dự trữ thiếu hụt trong kho. Với đà khan hiếm như hiện nay, có thể giá tiêu sẽ sớm cán mốc 80.000 đồng/tấn ngay trong tháng 8 này.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), nguồn cung hồ tiêu toàn cầu hạn chế do diện tích giảm, năng suất thấp do yếu tố thời tiết không thuận lợi và kỹ năng bảo quản chưa tốt. Dự kiến, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2021 đạt 555.000 tấn (giảm 21.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dự kiến đạt 220.000 tấn (giảm 20.000 tấn so với năm 2020).